Chùa Đậu là một ngôi chùa cực kỳ nổi tiếng, tồn tại 2000 năm nằm ngay tại thành phố Hà Nội. Nơi đây ẩn chứa câu chuyện li kỳ về hai Kim Thanh xá lợi của 2 vị thiền sư chùa Đậu. Cùng Antamtour khám phá ngay trong bài viết này bạn nhé!
- Đôi nét về chùa Đậu
- Lịch sử hình thành và xây dựng chùa Đậu
- Hướng dẫn đường đi đến chùa Đậu
- Không gian kiến trúc chùa Đậu
- Bí ẩn hai nhục thân xá lợi thiền sư
- Lễ hội chùa Đậu
- Lưu ý khi đi lễ tại chùa Đậu
Đôi nét về chùa Đậu
Chùa Đậu ở đâu? Chùa Đậu tọa lạc tại thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội. Trước kia, khu vực Thường Tín thuộc tỉnh Hà Tây cũ (hiện tại đã là Hà Nội), vì vậy, nhiều du khách vẫn có thói quen gọi chùa Đậu Hà Tây thay vì chùa Đậu Hà Nội như hiện tại.
Vị trí Google Maps
Nằm trên một gò đất cao giữa cánh đồng làng Gia Phúc, chùa Đậu được bao bọc bởi những hàng cây đại thụ và các hồ nước trong vắt, phẳng lặng. Phía sau ngôi chùa là dòng sông Nhuệ uốn lượn quanh năm yên ả và hiền hòa. Từ xa nhìn lại thấy cảnh chùa y như nước biếc gương soi thấu cửa thiền cùng với tiếng chuông chùa, tiếng gõ mõ, tiếng tụng kinh,... mở ra một chốn an yên, tự tại vô cùng.
Lịch sử hình thành và xây dựng chùa Đậu
Theo Antamtour tìm hiểu từ sách đồng hiện còn lưu giữ tai chùa có ghi chép vào thế kỷ thứ 3 Sĩ Nhiếp là vị quan nhân từ cai quản vùng đất Giao Chỉ, lúc ấy ở phía Nam Kinh Thành có luồng sinh linh khí đêm đêm hay xuất hiện chòm sao Bắc Đẩu.
Ông lệnh một đạo sĩ về vùng đất làng Gia Phúc, vị đạo sĩ thấy thế đất nơi đây trông tựa dáng hình một đôi hoa sen đang nở tỏa sáng. Người xưa cho rằng hoa sen là nơi đất Phật, nên về tâu với Sĩ Nhiếp biết là đất lành chim đậu, hoa nở đất thiêng nên Sĩ Nhiếp cho xây lập chùa, lấy tên là Thành Đạo tự, ngôi chùa cũng bắt đầu được kiến tạo từ đây.
Thời phong kiến, chùa Đậu chủ yếu dành cho các vị vua đến lễ Phật, còn người dân chỉ được vào lễ bái khi có lễ hội nên dân gian gọi là Chùa Vua. Chùa thờ Bồ tát Pháp Vũ hiện thân là nữ nên người dân cũng gọi là chùa Bà.
Đi chùa Đậu cầu gì? Ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng, các bậc chí sỹ cầu nghiệp lớn ở đây đều thi đậu khoa bảng, công thành danh toại; người làm nông cầu mùa màng bội thu cũng được như ý nguyện nên dân gian gọi tên khác là chùa Đậu.
Dưới thời vua Lê Thần Tông (thế kỷ XVII), chùa Đậu bị xuống cấp, sau đó được trùng tu lại, uy nghiêm và khang trang hơn. Sau đó, Vua ban sắc phong chùa là “An Nam đệ nhất danh lam” tức "Danh lam số một của nước Nam." Phật tử và nhân dân quanh vùng coi là đất Phật bởi sự linh ứng mà chùa mang lại.
Ngoài ra, vào thời Pháp thuộc được xem là thời điểm ngôi chùa bị tàn phá và đốt cháy dữ dội. Đến năm 2010, cùng với sự giúp đỡ của người dân và các mạnh thường quân, chùa Đậu được cải tạo, tu sửa và trở thành một điểm đến tham quan cũng như cúng bái của nhiều du khách.
Hướng dẫn đường đi đến chùa Đậu
Chùa Đậu Thường Tín chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng 25km nên khá thuận tiện trong việc di chuyển. Bạn hoàn toàn có thể sử dụng phương tiện cá nhân hoặc xe bus để đến với chùa Đậu chiêm bái. Antamtour gợi ý lộ trình như sau:
➡️ Di chuyển xe bus: bắt tuyến bus số 06 Giáp Bát - Phú Xuyên và xuống ở bến Quất Động. Bạn có thể bắt xe ôm hoặc taxi rẽ hướng Tây vào khu công nghiệp Quất Động rồi đi thêm 1,7km sẽ thấy biển chỉ dẫn đến chùa Đậu.
➡️ Di chuyển xe máy, ô tô: từ trung tâm thành phố, bạn đi dọc theo Quốc lộ 1A cũ theo hướng về Thường Tín. Khi đi đến xã Nguyễn Trãi thì rẽ phải và đi thêm khoảng 2km nữa sẽ có biển chỉ dẫn đến chùa Đậu.
Không gian kiến trúc chùa Đậu
Chùa Đậu nằm trên khoảng đất quy mô rộng lớn hơn 1ha, xung quanh đều là những hàng cây cổ thụ xanh ngát. Chùa Đậu được xây dựng theo cấu trúc hệ thống tứ pháp của nhà Phật, tuân theo kiến trúc “nội công, ngoại quốc”, “tiền Phật, hậu thánh”. Các công trình trong khuôn viên chùa Đậu bao gồm tam quan, tiền đường, tam bảo, nhà tả vu, nhà hữu vu, nhà tổ.
Nét kiến trúc của chùa Đậu Thường Tín Hà Nội mang đặc trưng của nền nghệ thuật dân gian hưng thịnh trong thế kỷ 17 với nhiều nét độc đáo. Điểm nổi bật trong nghệ thuật kiến trúc chùa là các vách gỗ đều được bàn tay người thợ thủ công chạm khắc tinh xảo.
Cổng Tam Quan chùa Đậu với cấu trúc hai tầng tám mái, lợp được làm bằng ngói vảy cá đỏ và các góc mái được chạm khắc theo hình đầu đao cong vút và trên tầng của cổng chùa được treo một quả chuông đồng tồn tại từ thời Tây Sơn năm 1801.
Đặc biệt, ngôi chính chùa Đậu điện từ thời Lê có kiến trúc đặc sắc nhất, từ mái lợp ngói mũi hài, cột xà chạm khắc rồng, bệ đá chạm hoa sen đến bộ cửa tám cánh chạm khắc tứ linh, sơn son thếp vàng.
Bí ẩn hai nhục thân xá lợi thiền sư
Khi bước vào nhà tổ chùa Đậu, các bạn sẽ được chiêm ngưỡng hai nhục thân xá lợi của hai vị thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường. 2 vị thiền sư chùa Đậu viên tịch trong tư thế ngồi tọa thiền, sau hơn 400 năm vẫn giữ được hình hài nguyên vẹn, dáng vẻ thanh khiết, khuôn mặt hoàn toàn mang nét riêng biệt.
Có rất nhiều những hoài nghi về tính chân thật của hai nhục thân xá lợi này, nhiều người hoài nghi liệu đây có phải là xương thật của hai vị thiền sư để lại hay không hay chỉ là tượng thạch cao do chúng đệ tử của chùa tạc nên?
Vào năm 1983, hai vị thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Tường đã được khoa học khẳng định chứng minh, chụp X quang và kết quả là nhục thân của hai vị thiền sư hoàn toàn là hai thân thể bằng xương, bằng thịt thật. Xác của hai vị thiền sư không có vết đục, không có vết đẽo, không có hiện tượng rút ruột hay là hút não và các khớp xương dính chặt với nhau ở tư thế tự nhiên, mỗi nhục thân cân nặng là khoảng 7kg.
Để lí giải điều gì đã xảy ra với hai nhục thân của hai vị thiền sư "Vì sao không có một tác động nào nhưng chết rồi mà gần 400 năm qua thì xác không bị phân hủy, vẫn tồn tại một cách trường tồn như thế?" Câu trả lời về khía cạnh Phật giáo thì đây là sự tu hành đắc đạo.
Lễ hội chùa Đậu
Lễ hội chùa Đậu Thường Tín diễn ra trong 3 ngày từ 8 - 10 tháng giêng âm lịch hằng năm. Tuy nhiên, thông thường thì từ mùng 1 Tết đã tấp nập người dân đến chùa vãn cảnh, cầu an. Sau đó, càng gần chính hội thì càng nhiều du khách từ khắp nơi đổ về du xuân, chiêm bái.
Hoạt động nổi bật trong lễ hội ở chùa Đậu đó là nghi lễ rước kiệu từ các thôn trong ngày mùng 9 tháng Giêng. Thanh niên trai tráng của các thôn sẽ rước kiệu vào trong sân chùa rồi xoay tròn, xô đẩy trước khi vào chính điện. Kiệu của thôn nào xoay càng mạnh thì càng gặp nhiều may mắn, sung túc trong năm.
Hội chùa Đậu cũng diễn ra các hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc khác như biểu diễn võ, tổ chức trò chơi dân gian…
Lưu ý khi đi lễ tại chùa Đậu
Chùa Đậu không có quy định cụ thể, nhưng theo kinh nghiệm của Antamtour, bạn cần lưu ý những điều sau khi đến đây nhé:
✅ Chùa Đậu là địa điểm du lịch linh thiêng vì thế hãy chọn cho mình bộ trang phục gọn gàng lịch sự để tôn trọng không gian tâm linh và văn hóa của chùa.
✅ Tránh gây ồn ào và các hành vi không phù hợp với không gian tâm linh và với mọi người.
✅ Tôn trọng và bảo vệ di tích không vứt rác bừa bãi, giữ sạch sẽ những nơi mà bạn đi qua.
✅ Nếu bạn muốn quay phim hoặc chụp hình, hãy xin phép từ quản lý chùa trước khi bắt đầu.
Chùa Đậu là một trong những điểm đến mỗi năm thu hút hàng vạn Phật tử trong và ngoài nước về vãn cảnh chùa và chiêm bái toàn thân xá lợi của hai vị thiền sư. Nếu có kế hoạch du lịch Hà Nội, bạn đừng quên ghé thăm chùa Đậu nhé!