Chùa Ông Núi - Chiêm ngưỡng tượng phật lớn nhất Đông Nam Á | Antamtour.vn

Chùa Ông Núi - Chiêm ngưỡng tượng phật lớn nhất Đông Nam Á

Đăng bởi Nguyễn Hạnh vào lúc 10/06/2024

Du lịch Quy Nhơn không chỉ nổi tiếng nhờ những bãi biển xinh đẹp, nếu có cơ hội được đến đây tham quan thì bạn tuyệt đối không thể bỏ qua chùa Ông Núi. Gây ấn tượng bởi bức tượng phật ngồi lớn nhất Đông Nam Á, chùa Ông Núi ở Bình Định còn mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị. Cùng Antamtour khám phá trong bài viết này nhé!

Chùa Ông Núi

  1. Chùa Ông Núi ở đâu?
  2. Lịch sử xây dựng chùa Ông Núi
  3. Hướng dẫn di chuyển đến chùa Ông Núi
  4. Viếng thăm chùa Ông Núi có gì thú vị?
  5. Những lưu ý khi viếng thăm chùa Ông Núi

Chùa Ông Núi ở đâu?

Tọa lạc uy nghi trên đỉnh Chóp Vung thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, chùa Ông Núi là điểm đến tâm linh thu hút đông đảo du khách bởi sự kết hợp hoàn hảo giữa vẻ đẹp thanh tịnh, hùng vĩ và giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời. Không chỉ gây ấn tượng với địa thế “tựa sơn vọng hải”, nơi đây còn thu hút mọi người với bức tượng Phật chùa Ông Núi có quy mô lớn nhất Đông Nam Á tính đến thời điểm hiện tại.

Cách trung tâm thành phố Quy Nhơn 30km. Vì thế, theo kinh nghiệm du lịch Quy Nhơn, xe máy, xe ô tô hoặc xe bus là các phương tiện di chuyển bạn có thể lựa chọn để đến vãn cảnh Chùa Ông Núi. Chùa Ông Núi bao nhiêu bậc? Từ khu vực chân núi, để đến được Chùa Ông Núi Bình Định, bạn sẽ phải leo hết 600 bậc thang, sau đó đi bộ lên tầm 100m nữa để đến khu vực cổng chùa.

Vị trí trên Google Maps

Lịch sử xây dựng chùa Ông Núi

Chùa Ông Núi, còn được gọi là Linh Phong Thiền Tự. Được xây dựng vào năm 1702 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu, Chùa Ông Núi ban đầu chỉ là một am nhỏ do vị sư Lê Ban lập nên. Thời ấy, vị sư Lê Ban đã đến hang đá phía đông núi Bà để ẩn tu, sau đó dựng một am nhỏ, đặt tên là chùa Dũng Tuyền.

Thiền sư Lê Ban là bậc tiên phong đạo cốt, quanh năm trên núi tu luyện, lấy vỏ cây làm y phục. Ông hành thiện tích đức, chuyên hái thuốc chữa bệnh cứu người, vì thế được nhân dân trong vùng rất kính trọng và gọi ông là Ông Núi.

Đến năm 1733, chúa Nguyễn rất mến mộ tài đức của nhà sư này nên quyết định ban cho ông hiệu “Tịnh Giác Thiện Trì đại lão thiền sư”, xây cất lại Dũng Tuyền tự. Ngôi chùa được tu sửa trở nên lớn hơn và lấy tên là Linh Phong thiền tự.

Do ảnh hưởng của chiến tranh, chùa Ông Núi bị tàn phá nặng nề, và hậu quả là chỉ còn lại cổng tam quan ở mặt phía đông và một bửu tháp. Cho tới cuối năm 1990 chùa mới được xây dựng lại một lần nữa theo thiết kế kiến trúc mái cổ lầu với lợp ngói ống.

Ở trên nóc chùa là lưỡng long tranh châu, đôi cột trước điện có hình rồng cuộn. Dù đã phải trải qua nhiều biến cố của lịch sử và hậu quả của chiến tranh, ấy vậy mà ngôi chùa này vẫn luôn mang trong mình vẻ đẹp trang nghiêm, hài hòa với thiên nhiên pha lẫn chút cổ kính, sừng sững giữa đất trời và là điểm du lịch hấp dẫn cho tới ngày nay.

Chùa Ông Núi

Hướng dẫn di chuyển đến chùa Ông Núi

▶️ Di chuyển đến Quy Nhơn

Có nhiều cách để di chuyển đến Quy Nhơn, tùy thuộc vào sở thích, ngân sách và thời gian của bạn. Dưới đây là một số phương tiện phổ biến nhất:

Máy bay

Đây là phương tiện nhanh và tiện lợi nhất để di chuyển đến Quy Nhơn. Sân bay Phù Cát (Quy Nhơn) cách trung tâm thành phố khoảng 5km, có các hãng hàng không nội địa như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways khai thác nhiều chuyến bay mỗi ngày từ Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang,...Giá vé máy bay khứ hồi dao động từ 1.500.000 - 4.000.000 đồng/người, tùy thuộc vào thời điểm đặt vé và hãng bay.

Xe khách

Đây là phương tiện phổ biến với giá vé rẻ hơn so với máy bay. Có nhiều hãng xe uy tín như Hoàng Long, Phượng Hoàng, Mai Linh,... khai thác tuyến đường từ Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang,... đến Quy Nhơn với thời gian di chuyển từ 12 đến 18 tiếng. Giá vé xe khách dao động từ 300.000 - 600.000 đồng/người/lượt, tùy thuộc vào loại xe và chất lượng dịch vụ.

Xe máy

Đây là phương tiện phù hợp cho những ai thích phượt và khám phá cảnh đẹp dọc đường. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý về vấn đề an toàn giao thông và sức khỏe khi di chuyển quãng đường dài. Thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Quy Nhơn khoảng 2 ngày, từ Tp.HCM đến Quy Nhơn khoảng 1 ngày

▶️ Di chuyển đến chùa Ông Núi

Khi tới thăm Chùa Ông Núi, bạn hoàn toàn có thể tự đi từ Thành phố Quy Nhơn theo Google Maps vì đường đi khá dễ và thuận lợi cho các phương tiện lưu thông: Đường Võ Nguyên Giáp → rẽ trái ở quốc lộ 198 → rẽ phải ở tỉnh lộ 640 → rẽ trái ở thôn Phương Chi → chùa Ông Núi Phù Cát Bình Định.

Chùa Ông Núi

Viếng thăm chùa Ông Núi có gì thú vị?

📌 Chiêm ngưỡng tượng Phật chùa Ông Núi quy mô nhất Đông Nam Á

Trên đường đi đến chùa Ông Núi Bình Định, bạn sẽ nhìn thấy một bức tượng Phật to từ phía xa. Được khởi công vào năm 2009, quá trình hoàn thiện bức tượng Phật chùa Ông Núi trải qua nhiều giai đoạn, đến năm 2016 mới chính thức hoàn thành.

Tượng Phật chùa Ông Núi cao 69 mét, với đế tượng cao 15m và được làm hoàn toàn từ bê tông cốt thép. Tượng Phật được tạc theo thế ngồi trên tòa sen với tư thế “tựa sơn vọng hải”, hướng thẳng ra đầm Thị Nại. Phía dưới chân tượng chính là dãy hành lang La Hán, bảo tàng xá lợi Phật cùng trung tâm giảng dạy Phật học và thư viện Phật giáo.

Dưới chân tượng là trung tâm thuyết pháp Phật giáo, hành lang La Hán, thư viện Phật giáo và bảo tàng Xá Lợi Phật để du khách đến hành lễ, chiêm bái. Tới đây, chắc chắn bạn sẽ bị ấn tượng bởi lối kiến trúc mang đậm văn hóa Việt Nam nhưng vẫn có nét hiện đại riêng mà không phải ngôi chùa nào cũng có.

Chùa Ông Núi

📌 Khám phá Hang Tổ bên trong chùa Ông Núi

Theo truyền thuyết, Hang Tổ chính là nơi tu hành của Ông Núi - vị sư đức cao vọng trọng được người dân địa phương kính ngưỡng. Chính vì vậy, mà không gian bên trong hang vẫn giữ nguyên vẹn vẻ hoang sơ, mộc mạc.

Giữa Hang Tổ là các hòn đá tảng xếp chồng lên nhau, phía dưới là khe suối róc rách quanh năm cùng độ sâu hơn 5 mét. Vì thế, trước kia, chùa Ông Núi còn được gọi với cái tên “Dũng tuyền thạc cốc” cũng vì lẽ này.

📌 Vãn cảnh trong khuôn viên chùa

Bất kể du khách đặt chân đến Chùa Ông Núi vào thời điểm nào trong năm cũng sẽ cảm nhận được bầu không khí thanh tịnh, trong lành và mát mẻ đến bất ngờ. Khuôn viên chùa được bao bọc bởi những tán cây xanh mát, cùng hồ nước rộng lớn trong vắt rất thoáng đãng.

Bước vào bên trong, bạn sẽ thấy các điện thờ được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống Việt Nam với mái ngói đỏ tươi rực rỡ, ẩn hiện dưới những tán cây cổ thụ xanh mướt. Lúc này, bầu không khí quẩn quanh mùi trầm hương khiến lòng người thêm yên bình. Từ chánh điện, bạn đi theo hướng Tây sẽ nhìn thấy một cây cầu nhỏ dẫn đến mộ Tháp và Hang Tổ phía sau.

📌 Tham gia lễ hội tại chùa Ông Núi

Lễ hội chùa Ông Núi diễn ra vào ngày 24 và 25 tháng Giêng âm lịch hàng năm, là một trong những lễ hội thu hút đông đảo du khách thập phương đến với Bình Định. Lễ hội không chỉ mang giá trị tâm linh mà còn là dịp để người dân địa phương tưởng nhớ công đức của Thiền sư Lê Ban - người đã có công xây dựng chùa và là biểu tượng cho lòng từ bi, bác ái.

Những lưu ý khi viếng thăm chùa Ông Núi

✅ Chùa chiền là nơi du lịch linh thiêng, khi đến đây bạn nên ăn mặc những trang phục nhã nhặn, lịch sự, tránh làm mất đi tính trang nghiêm vốn có của chùa.

✅ Khi tới chùa, hãy thành tâm cầu bình an và tận hưởng vẻ đẹp an lạc hùng vĩ, tận hưởng sự linh thiêng của chùa để tìm ra được vẻ đẹp an yên nơi đây.

✅ Không tùy ý đụng, chạm hay lấy bất cứ đồ vật nào trong chùa khi không có sự cho phép của nhà chùa.

✅ Không dẫm đạp lên cây cối, hoa cỏ hay bàn ghế có trong chùa.

✅ Vứt rác đúng nơi quy định

Chùa Ông Núi

Trong hành trình khám phá Quy Nhơn, đừng bỏ qua cơ hội ghé đến vãn cảnh, chiêm bái tại chùa Ông Núi bạn nhé. Chúc bạn và gia đình có một chuyến tham quan thật ý nghĩa.

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
x
Antamtour.vn

Số lượng:

Tổng tiền:

avatar
Xin chào
close nav
zalo