Cung điện Potala là biểu tượng tôn giáo, văn hóa và lịch sử gắn liền với vùng đất Tây Tạng huyền bí. Nơi đây từ lâu đã trở thành một điểm đến linh thiêng và hấp dẫn đối với du khách thập phương. Vậy Cung điện Potala có gì đặc sắc? Hãy cùng Antamtour khám phá công trình vĩ đại này qua bài viết dưới đây nhé!
Cung điện Potala
- Giới thiệu về Cung điện Potala
- Lịch sử Cung điện Potala
- Nét độc đáo của Cung điện Potala
- Gợi ý các địa điểm tham quan
- Những lưu ý
Giới thiệu về Cung điện Potala
Nằm sừng sững trên đỉnh Hồng Đồi (Marpori), được bao bọc bởi dãy núi Himalaya hùng vĩ, Cung điện Potala là công trình kiến trúc có một không hai trên thế giới. Đến tham quan, du khách sẽ không khỏi choáng ngợp trước vẻ đẹp đồ sộ và nguy nga của tòa cung điện này.
Cung điện Potala tọa lạc tại Lhasa, Tây Tạng, Trung Quốc. Công trình có kích thước 400m theo chiều đông tây và 350 mét theo chiều bắc nam. Nơi đây nằm cách mực nước biển 3700m, do đó được sách kỷ lục Guiness công nhận là tòa cung điện cao nhất thế giới.
Công trình kiến trúc Potala là biểu tượng cho quyền lực và sự phát triển rực rỡ của Phật Giáo tại Tây Tạng. Đây từng là nơi tu tập của nhiều đời Đạt lai Lạt ma. Đồng thời, tên gọi Potala cũng bắt nguồn từ ngọn núi Potalaka. Tương truyền rằng, ngọn núi này là nơi ở của vị Bồ Tát Quán Thế Âm.
Do đó, nếu bạn là một người đam mê văn hóa Tây Tạng và muốn tìm hiểu tinh hoa Phật Giáo, Cung điện Potala ở Tây Tạng chắc chắn là điểm đến mà bạn không nên bỏ qua.
Vị trí trên Google Maps
Lịch sử Cung điện Potala
Nhắc đến Cung điện Potala Tây Tạng, không thể không nhắc đến câu chuyện lịch sử của tòa cung điện này. Hơn 1000 năm sừng sững, trải qua nhiều thăng trầm, công trình này như là một chứng nhân lịch sử của mảnh đất thiêng Tây Tạng.
Được xây dựng vào năm 637, Cung điện Potala là công trình ghi dấu ấn cho cuộc hôn nhân của nhà vua Tùng Tán Cán Bố (Songtsen Gampo) và công chúa Văn Thành. Tuy nhiên trong suốt một thời gian sau đó, tòa cung điện đã hư hại nặng nề do ảnh hưởng từ những cuộc chiến tranh liên miên thời Trung Cổ.
Mãi đến thế kỷ XVII, nơi đây mới được đức Đạt Lai Lạt Ma thứ năm - Losang Gyatso phục hồi và tái thiết. Quá trình phục hồi cung điện diễn ra trong suốt 50 hơn năm. Đến khi hoàn thành, tòa công trình này đã một lần nữa khôi phục lại huy hoàng trong quá khứ. Potala đã trở thành trung tâm chính trị, văn hóa và tôn giáo lớn nhất tại Tây Tạng.
Năm 1994, Cung điện Potala được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Cung điện Potala có lịch sử hơn 1000 năm
Nét độc đáo của Cung điện Potala
Cung điện Potala sở hữu vẻ đẹp tổng hòa giữa tôn giáo, văn hóa, lịch sử và kiến trúc. Tòa công trình được xem là biểu tượng thiêng liêng, trường tồn, và là niềm tự hào của những người Tây Tạng.
Bạn nhất định sẽ ấn tượng trước lối kiến trúc Cung điện Potala độc đáo. Những công trình được xây dựng bằng đá granit và chạm khắc bằng gỗ, toát lên vẻ đẹp nguy nga nhưng không kém phần cổ kính. Đứng tại cung điện, phóng tầm mắt ra xa, bạn sẽ chiêm ngưỡng những dãy núi hùng vĩ ẩn phía sau làn mây trắng.
Kiến trúc Potala mang đậm nét Phật Giáo Tây Tạng
Cung điện Potala bao nhiêu tầng? Tòa cung điện này có tổng cộng 13 tầng, với hơn 1000 phòng, 10000 đền thờ và 200000 bức tượng. Tất cả tạo nên một công trình vĩ đại, oai vệ và mang đến cảm giác linh thiêng cho bất cứ du khách nào tham quan nơi đây.
Bên cạnh đó, Cung điện Potala còn là bảo tàng nghệ thuật của vùng đất Tây Tạng. Dạo quang nơi đây, bạn không khó để bắt gặp những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Nổi bật nhất là 698 bức tranh bích họa ghi lại cuộc đời tu tập của những nhân vật Phật Giáo.
Với kiến trúc đặc sắc và một kho tàng văn hóa nghệ thuật khổng lồ, Cung điện Potala là địa điểm du lịch thu hút đông đảo du khách ghé thăm hàng năm.
Bức họa trong cung điện Potala
Gợi ý các địa điểm tham quan tại Cung điện Potala
Cung điện Potala ở Tây Tạng Trung Quốc mang một vẻ đẹp cổ kính, uy nghiêm và tráng lệ. Mỗi địa điểm tham quan tại đây đều sở hữu nét độc đáo riêng mà hiếm nơi nào có được. Vậy đó là những nơi nào? Cùng tìm hiểu ngay nhé!
🔷 Bạch Cung
Bạch Cung (Potrang Karpo) là một trong những điểm đến hút khách nhất tại Cung điện Potala. Điểm đặc biệt của Bạch Cung là những bức tường được trát đất sét trắng. Do đó, công trình này phủ lên mình một màu trắng tinh khiết. Đây được xem là một biểu tượng cho hòa bình của người dân Tây Tạng.
Bạch Cung là nơi tổ chức nhiều nghi thức tôn giáo, lễ hội dành cho các tín đồ Đạo Phật. Trong đó có lễ hội Sertreng được tổ chức vào ngày 30 của tháng Tây Tạng thứ hai.
Bạch Cung
🔷 Hồng Cung
Hồng Cung là công trình thể hiện rõ nét những nét tinh hoa trong kiến trúc Tây Tạng. Với màu đỏ thẫm chủ đạo, Hồng Cung hiện ra trong mắt du khách đầy quyền lực và uy nghi. Bên cạnh đó, nơi đây còn là nơi 8 đời Đức Đạt Ma Đạt Lai an nghỉ. Công trình này được xem là nơi linh thiêng nhất tại Cung điện Potala.
Tham quan Hồng Cung, bạn còn được chiêm ngưỡng nhiều bảo vật giá trị như: tượng phật bằng vàng, tháp chuông cổ, tác phẩm điêu khắc,... Vì thế sẽ thật thiếu sót nếu như bạn bỏ qua Hồng Cung trong hành trình khám phá
Cung điện Potala.
Hồng Cung
🔷 Cung điện Mùa đông
Cung điện Mùa đông Potala là nơi các đời Đạt lai Lạt ma ở và tu tập vào mùa Đông. Nơi đây được xây dựng vào năm 1645, bao gồm các công trình như tòa nhà, sảnh và hội trường.
Cung điện Mùa đông là nơi lưu trữ hơn 600 bức tranh tường, 100000 cuộn tranh và nhiều tác phẩm nghệ thuật, điêu khắc và tư liệu Phật Giáo. Do đó, nơi đây được xem là một kho tàng quý báu của Cung điện Potala. Mỗi bức tường, cổng vào hay mái che ở Cung điện Mùa đông đều là những tác phẩm nghệ thuật vô giá.
Cung điện Mùa đông
Những lưu ý khi tham quan Cung điện Potala
- Do là một nơi linh thiêng nên bạn nên chú ý ăn mặc lịch sự, kín đáo khi tham quan cung điện.
- Du lịch Cung điện Potala vào mùa đông, bạn nhớ mang theo áo khoác để giữ ấm.
- Trong quá trình tham quan, bạn cần tuân thủ những quy định tại cung điện và tôn trọng văn hóa địa phương.
Cung điện Potala
Trên đây là bài viết giới thiệu về Cung điện Potala. Đây là một điểm đến tôn giáo, lịch sử và văn hóa được nhiều du khách ghé thăm khi du lịch Trung Quốc. Để nhận thêm những tin tức du lịch mới nhất, đừng quên theo dõi Antamtour bạn nhé!