Nằm trong Tứ Phủ Thánh Cô, đền Cô Chín là một trong những địa điểm thu hút tín đồ du lịch đến tham quan và lễ bái khi có dịp ghé thăm vùng đất Thanh Hóa. Không chỉ nổi tiếng về vấn đề tâm linh, đền Cô Chín Thanh Hóa còn có nhiều hoạt động thú vị nhất định bạn không nên bỏ qua. Cùng Antamtour khám phá địa chỉ linh thiêng này ngay nhé!
- Đôi nét về đền Cô Chín
- Đền Cô Chín Thanh Hóa ở đâu?
- Di chuyển đến đền Cô Chín như thế nào?
- Nên đến đền Cô Chín vào thời điểm nào?
- Một số kinh nghiệm khi ghé thăm đền Cô Chín Bỉm Sơn Thanh Hóa
- Một số lưu ý khi hành hương đền Cô Chín
Đôi nét về đền Cô Chín
Đền Cô Chín hay đền Cô Chín Giếng là một trong những ngôi đền cổ, lâu đời ở Việt Nam, đền được xây dựng từ những năm cuối thế kỷ XVIII và được tu sửa lần đầu vào năm 1939. Nơi đây hiện đang thờ Cửu Thiên Huyền Nữ, tức người con gái thứ chín của Ngọc Hoàng Đại Đế.
Theo dân gian, tương truyền rằng trong trận chiến giữa Tiền Quân Thánh và Chúa Liễu Hạnh tại Sòng Sơn. Khi Liễu Hạnh gặp nguy, người đã biến thân thành rồng để về ẩn cư nơi Cửu Thiên Công Chúa đang ngự là chín cái giếng thiêng. Nhờ được Cửu Thiên Huyền Nữ che chở, Liễu Hạnh mới thoát được vòng vây của Tiền Quân Thánh. Cảm tạ ơn cưu mang, hai người đã kết nghĩa tỷ muội.
Sau này, để ghi nhớ công ơn của Cô Chín, người dân đã lập đền thờ ngay tại chín cái giếng thiêng ấy, vì vậy ngôi đền mới có tên gọi là đền Cô Chín hay đền Cô Chín Giếng Thanh Hóa. Ngôi đền được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1993. Đến năm 2004, đền Cô Chín được trùng tu và tôn tạo lại để phục vụ khách du lịch tham quan, chiêm bái.
Đền Cô Chín Thanh Hóa ở đâu?
Địa chỉ đền Cô Chín Thanh Hóa hiện nay nằm trên đường Trần Hưng Đạo, phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa, cách trung tâm Thủ đô khoảng 130km. Vì có vị trí giao thông khá thuận lợi nên mỗi năm, nơi đây đều thu hút một lượng du khách rất lớn đi hành hương, đặc biệt vào những dịp lễ.
Ví trí trên Google Maps
Có một lưu ý dành cho bạn đó là nhiều người thường hay nhầm tưởng đền Sòng Sơn là nơi thờ tự chính của Cô Chín tuy nhiên trên thực tế, nơi đây lại là nơi thờ chính của Mẫu Cửu, Chầu Cửu. Có lẽ bởi vì danh tiếng của Cô Chín đền Sòng quá lớn nên mới xảy ra tình huống nhầm lẫn này. Vì vậy khi đến đây, bạn nên đi đúng địa chỉ đó là đền Cô Chín hay đền Cô Chín Giếng để có được trải nghiệm tốt nhất.
Di chuyển đến đền Cô Chín như thế nào?
Nằm ở tuyến đường tương đối thuận lợi, do đó mà việc di chuyển đến đền Cô Chín Bỉm Sơn Thanh Hóa là khá dễ dàng. Tùy vào nhu cầu cũng như mức chi phí của bạn mà có thể chọn một trong hai hình thức sau:
- Ô tô: Xuất phát từ thành phố Hà Nội, bạn di chuyển theo cao tốc Hà Nội - Ninh Bình, sau đó men theo quốc lộ 1A. Đi qua thành phố Tam Điệp của Ninh Bình và tiến thẳng đến thị xã Bỉm Sơn - Thanh Hóa.
- Xe máy: Luôn là một trải nghiệm tuyệt vời cho những tín đồ đam mê du lịch, nếu chọn xe máy làm phương tiện di chuyển, bạn có thể đi từ trung tâm Thủ đô theo đường Giải Phóng để ra hướng quốc lộ 1 cũ. Tiếp theo đi qua địa phận hai tỉnh là Hà Nam và Ninh Bình là bạn đã đến được vùng đất Thanh Hóa. Để đến được đền Cô Chín bạn có thể tra cứu trên Google Maps hoặc hỏi người dân đền Cô Chín ở đâu, sau đó di chuyển tiếp.
Nên đến đền Cô Chín vào thời điểm nào?
Vào các ngày 26/2 và 9/9 Âm lịch, du khách thập phương sẽ đổ về xứ Thanh để tham dự lễ hội đền Cô Chín nhằm hy vọng sự may mắn và tài lộc.
Ngày 26/2 được gọi là lễ hội truyền thống của đền Cô Chín Thanh Hóa, thời điểm này bạn sẽ được tham gia dâng lễ và cùng theo dõi lễ rước kiệu từ đền Sòng Sơn đến đền Cô Chín và kết thúc tại đèo Ba Dội. Theo dân gian, điều này thể hiện hình ảnh chị đến em, có trước có sau - một vẻ đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Thời gian chính hội của đền Cô Chín diễn ra vào ngày 9/9. Vào ngày này, không khí sẽ trở nên nhộn nhịp với người ra người vào tham quan, cúng bái. Ngoài những ngày tổ chức lễ hội đền Cô Chín Thanh Hóa, bạn cũng có thể ghé thăm ngôi đền này vào bất kỳ dịp nào trong năm.
Một số kinh nghiệm khi ghé thăm đền Cô Chín Bỉm Sơn Thanh Hóa
✅ Kinh nghiệm sắm lễ
Là một điểm du lịch mang yếu tố tâm linh, vì vậy dâng hương và cúng bái luôn là một trong những hoạt động không thể thiếu khi đến với đền Cô Chín. Theo kinh nghiệm của Antamtour, lễ đi đền là tùy tâm, đôi khi là thẻ hương, tiền vàng mã… ngoài ra, bạn hoàn toàn có thể chuẩn bị mâm cúng riêng cho mình hoặc mua sắm tại các điểm bán đồ tế lễ xung quanh đền. Nếu tự chuẩn bị, bạn có thể tham khảo mâm cúng sau:
- 12 quả cau;
- 12 lá trầu;
- Cút rượu;
- 9 bông hoa hồng;
- Thẻ hương (nhang);
- Một mâm mặn hoặc chay tùy ý. Nếu đi vào dịp rằm, nên ưu tiên mâm chay bạn nhé;
- Giấy tiền vàng;
- 1 đĩa hoa quả đủ loại;
- Cánh sớ
✅ Cầu gì ở đền Cô Chín Thanh Hóa
Nhắc đến đền Cô Chín, người ta tin vào sự linh thiêng và tài đức của cô. Theo sự tích dân gian, cô là người tài giỏi với nhiều phép tiên thần thông quảng đại, đồng thời cô còn là người có lòng vị tha, bao dung, cứu khổ cứu nạn và luôn giúp đỡ người dân. Vậy khi đến đền Cô Chín Thanh Hóa cầu gì? Khi đến dâng lễ Cô Chín đền Sòng, bạn có thể xin cho bản thân và gia đình nhiều sức khỏe, bình an, cũng như cầu mong cho công việc được thuận buồm xuôi gió, có nhiều tài lộc.
Một số lưu ý khi hành hương đền Cô Chín
Dù đã từng đến đây hay du khách mới đến, bạn nên bỏ túi ngay những lưu ý sau đây khi có dịp hành hương đến đền Cô Chín Giếng.
👉 Cúng lễ đúng trình tự: khi tự dâng lễ, đầu tiên bạn nên khấn lễ tại bàn thờ đá nằm ở phía trước điện. Đây được xem như một cách để bạn xin vị thần cai quản ngôi đền được phép dâng hương lên Cô Chín đền Sòng. Sau khi đã hoàn thành, bạn có thể di chuyển vào điện thờ phía trong để dâng lễ và đọc khấn văn cầu nguyện.
👉 Lưu ý về thời gian hạ lễ: thời gian hạ lễ chuẩn nhất là khi hết tuần hương sau khi đã dâng lễ và đọc xong văn khấn.
👉 Đồ sắm lễ: Nếu không có quá nhiều thời gian để chuẩn bị lễ vật từ trước thì bạn hoàn toàn có thể mua tại các cửa hàng xung quanh đền Cô Chín. Không chỉ bày bán đồ lễ, tại đây họ còn nhận dịch vụ viết sớ cho bạn. Tuy nhiên, nếu có ý định mua một số lượng đồ lễ lớn để dâng hương, bạn nên liên hệ với người bán trước để họ chuẩn bị cho tươm tất, chỉn chu.
👉 Về cử chỉ và trang phục: Giống như tất cả các điểm tâm linh khác, khi đến với đền Cô Chín Giếng Thanh Hóa, bạn nên đi nhẹ, nói khẽ, không nên ồn ào gây ảnh hưởng đến người xung quanh. Về trang phục, bạn nên chọn trang phục kín đáo, phù hợp để đi lễ.
👉 Trả lại đồ thuê: Sau khi đã sử dụng đồ đạc đã thuê từ đền, bạn đừng quên trả lại đầy đủ trước khi ra về nhé!
Đền Cô Chín sẽ là điểm đến tiếp theo trong hành trình khám phá vùng đất xứ Thanh của bạn. Đây sẽ là nơi để bạn vừa có thể chiếm bái cầu nguyện, vừa để lòng an yên hơn sau những bộn bề của cuộc sống. Hy vọng, thông qua bài viết này của Antamtour, bạn sẽ có được những trải nghiệm thú vị khi đến với đền Cô Chín Giếng.