Đền Cùng Giếng Ngọc Bắc Ninh là chốn địa linh nổi tiếng, hiển ứng thờ Mẫu Tam Phủ từ ngàn xưa, thu hút đông đảo không chỉ người địa phương mà còn du khách thập phương về thăm quan, xin nước giếng mong cầu sức khỏe, tình duyên, sự nghiệp… Cùng Antamtour khám phá ngay bạn nhé!
Đền Cùng Giếng Ngọc
- Giới thiệu Đền Cùng
- Lịch sử đền Cùng
- Sự tích giếng Ngọc
- Du khách về đền Cùng xin nước giếng Ngọc
- Hướng dẫn di chuyển
- Những lưu ý khi đi lễ
Giới thiệu Đền Cùng
Đền Cùng Giếng Ngọc ở đâu? Đền Cùng Giếng Ngọc nằm ở làng Viêm Xá, xã Hòa Long, Tp. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
Vị trí trên Google Maps
Đền Cùng Giếng Ngọc từ lâu nổi tiếng là nơi có dòng nước ngọt lành chứa đựng nhiều câu chuyện ly kỳ về những “ông cá thần”, nơi tham quan thú vị với du khách khi về thăm quê hương Quan họ. Bước qua cổng tam quan đã ngả màu rêu phong của Đền Cùng ta thấy một quần thể kiến trúc hài hòa, cổ kính, vừa gần gũi, vừa trầm mặc uy linh.
Không gian nơi đây rất thoáng đãng với nhiều cây cổ thụ quanh năm xanh mát, khiến du khách cảm thấy sự yên bình và trong lành. Nhìn những rêu phong thời gian bám ở những gốc cây cổ thụ nơi đây như phần nào minh chứng cho lịch sử rất lâu đời của ngôi đền.
Nằm ở giữa sân Đền Cùng, ẩn dưới những tán cây cổ thụ là chiếc giếng Ngọc đã đi vào truyền thuyết. Giếng Ngọc rộng chừng 20m2, gồm 11 bậc gạch, 4 bậc đá và 1 bậc gỗ lim ở sát mép giếng, giếng có hình chữ nhật, phía đối diện bậc lên xuống được bo tròn hai góc tạo sự mềm mại. Dưới đáy giếng là lớp đá ong tự nhiên sâu khoảng 10m, nước giếng Ngọc màu xanh trong, có thể nhìn xuống tận đáy.
Lịch sử đền Cùng
Không biết chính xác đền Cùng giếng Ngọc có từ bao giờ, theo như văn bia ở đền ghi lại thì sự linh hiển của Đền Cùng đã nổi tiếng khắp dân gian từ lâu đời, từ thời Tiền Lý, Tiền Lê, thời Lý quan quân triều đình đánh giặc dọc tuyến sông Cầu, có đến chốn này cầu đảo và đều được ứng nghiệm đánh bại quân xâm lược.
Đến đời vua Lý Thần Tông mắc bệnh lạ mà dân gian gọi là hóa hổ khi đến đền Cùng cầu đảo cũng đã tai qua nạn khỏi. Đến thời vua Bảo Thái vào đầu thế kỷ 17 đã cho dựng quy mô ngôi đền trên những cột đá mà dấu ấn ấy vẫn còn để lại đến ngày nay, các triều đại sau đều có sắc phong tặng Mẫu được thờ ở đây.
Từ các thông tin này ta có thể phỏng đoán đền Cùng giếng Ngọc phải có trên 1500 năm tuổi.
Lịch sử Đền Cùng Giếng Ngọc
Sự tích Giếng Ngọc
Theo người dân kể lại thì tương truyền Giếng Ngọc xưa chỉ là một mạch nước nhỏ đùn lên, các loài chim chóc đến đây uống nước, nước ở đây trong mà thanh mát nên vì thế nhiều loài chim về đây uống nước, rồi dùng chân bới rộng ra để có nhiều nước trữ ở đó.
Các cụ nhà ta có câu “đất lành chim đậu”, vì thế người dân thấy vậy ra uống thử thấy nước rất ngon nên mới đào sâu xuống thành giếng như hiện nay để lấy nước sinh hoạt.
Tương truyền từ rất lâu rồi có ba ông cá sống ở giếng khi già rồi mất được người dân chôn cất và xây lăng các ngài ở ngay sau giếng. Hiện nay trong giếng vẫn có ba ông cá sống ở dưới giếng, sở dĩ cá trong giếng được người dân tôn gọi là thần bởi không ai trong làng biết chính xác ba ông cá này có từ bao giờ.
Người làng cho rằng, ba “cụ cá thần” là hóa thân của hai nàng công chúa Ngọc Dung và Thủy Tiên cùng một nàng hầu. Đền Cùng Giếng Ngọc là nơi thờ tự hai nàng công chúa triều Lý vốn có công lập làng và truyền nghề cho dân.
Sự tích Đền Cùng Giếng Ngọc
Du khách về đền Cùng xin nước giếng Ngọc
“Dù ai đi lễ bốn phương
Không bằng linh hiển thắp hương Đền Cùng”
Với những câu chuyện nhiệm màu, linh thiêng được kể bao đời, ngày nay, du khách thập phương về với Đền Cùng Giếng Ngọc vẫn muốn tự tay xuống xin nước trong giếng để uống với mong ước, hạnh phúc và những điều tốt đẹp trong suốt một năm đó.
Nhiều du khách mang theo bình đựng để xin nước giếng mang về với mong ước rước may mắn, tài lộc, sức khỏe cho gia đình.
Một điều thú vị là dù được người dân dùng liên tục, nước Giếng Ngọc chưa bao giờ cạn, thậm chí cả trong mùa khô hạn.
Đền Cùng Giếng Ngọc cầu gì?
Hướng dẫn di chuyển
Đền Cùng Giếng Ngọc cách trung tâm Hà Nội khoảng 45km. Vì vậy, việc di chuyển đến đây khá thuận tiện cho khách du lịch. Bạn có thể sử dụng các phương tiện như xe máy, xe ô tô hoặc xe khách để di chuyển đến đền Cùng giếng Ngọc.
Nếu bạn muốn tự lái xe đến chùa, bạn có thể đi theo các cung đường Quốc lộ 1A, Quốc lộ 18 hoặc đường Cầu Chương Dương, đi tiếp đường ĐT286 đến Đường Vua Bà vào làng Diềm bạn có thể hỏi người dân địa phương để đến đền.
Đền Cùng Giếng Ngọc ở Bắc Ninh
Những lưu ý khi đi lễ
Theo kinh nghiệm của Antamtour, khi bạn đến lễ bái đền Cùng giếng Ngọc cần chú ý những điều sau:
✅ Giữ tâm phải tịnh, ý sáng, đi đứng nhẹ nhàng.
✅ Không nói to, làm ồn nơi cổng đền chùa.
✅ Khi đến tham quan cần mặc trang phục trang nghiêm, không mặc váy ngắn, quần đùi…
✅ Thực hiện đúng các lễ nghi cúng bái, dâng hương.
✅ Không rải tiền lẻ ở khắp nơi.
✅ Không đốt hương ở những nơi có biển báo cấm, tránh gây hỏa hoạ.
✅ Để lấy nước, phải để giày, dép trên bờ, đi chân trần xuống dưới hoặc đi dép của nhà đền chuẩn bị sẵn.
Đi lễ Đền Cùng Giếng Ngọc
Đền Cùng giếng Ngọc với những câu chuyện linh thiêng được kể lại qua nhiều đời là điểm đến nổi tiếng thu hút du khách, đặc biệt là vào dịp đầu năm. Mùa Xuân này nếu có cơ hội đặt chân đến Bắc Ninh, bạn đừng quên ghé qua đền để lễ bái, cầu xin những điều tốt đẹp, an lành và thưởng ngoạn phong cảnh bình dị nơi đây.