Chùa Am Vãi là tên nôm mà nhân dân trong vùng thường gọi. Trong sách Đại Nam nhất thống chí và Lục Nam địa chí (thời nhà Nguyễn) gọi là Am Ni tự. Chùa Am Vãi nằm trên đỉnh núi Am Vãi, thuộc vòng cung Tây Yên Tử. Tên chùa được gọi theo tên của dãy núi này.
Thông tin về chùa Am Vãi
Theo một số nhà khảo cổ học thì chùa Am Vãi lúc đầu là một ngôi chùa nhỏ. Đến thời Trần thì có sư nữ (Công chúa nhà Trần) tu hành ở đó. Bởi vậy, chùa mới có tên là Am Vãi (Vãi có nghĩa là nữ tu hành). Từ thời Lê về sau, có lẽ chùa được xây dựng quy mô lớn hơn.
Bố cục mặt bằng theo lối nội công, ngoại quốc trên diện tích chừng 2.500 mét vuông, gồm các tòa như tiền đường, tam bảo, hành lang, nhà tổ, nhà tăng… Song ngôi chùa này đã bị đổ nát, chỉ còn là phế tích do chiến tranh loạn lạc, thiếu sự tu bổ, tôn tạo…
Từ năm 1990 trở lại đây, người dân Nam Dương (chủ yếu là dân làng Biềng) đã góp công, góp sức tu tạo lại chùa. Kẻ gùi vôi, người gùi cát, xi măng… cùng cơm đùm, cơm nắm từ làng lên núi để hưng công tạo dựng chùa.
Lễ hội chùa Am Vãi
Chùa Am Vãi tuy mới được tu bổ, tôn tạo vào những năm gần đây song vẫn mang dáng dấp của một ngôi chùa cổ. Các hiện vật còn lưu giữ được có một số bằng chất liệu đá (tháp đá, chân đá kê cột, tảng đá in dấu chân Phật), điều đó đã minh chứng sự tồn tại của chùa Am Vãi đã có từ lâu đời và được duy trì cho tới ngày nay.
Chùa Am Vãi nổi tiếng linh thiêng, đây là điều được truyền tai từ người này qua người khác, bởi vậy đây được coi là một trong những ngôi chùa linh thiêng nhất miền Bắc. Vì vậy vào dịp lễ hội, không chỉ những của người dân địa phương mà còn cả khách thập phương ở nhiều vùng lân cận.
Đi lễ chùa, mỗi người theo đuổi một mục đích riêng không ai giống ai, nhưng đều tụ hội chung về nơi cửa Phật mong Đức Phật phù hộ độ trì cho bản thân và gia đình.
Cầu gì ở chùa Am Vãi
Đặc biệt đối với những đôi vợ chồng hiếm con hoặc mong muốn có một cậu quý tử để nối dõi tông đường thì việc đi lễ chùa Am Vãi có ý nghĩa rất lớn đối với họ. "Cầu được ước thấy", đã có nhiều cặp vợ chồng khi đi lễ chùa trở về thì ước vọng của họ đã trở thành hiện thực. "Tiếng lành đồn xa", càng ngày càng có nhiều cặp vợ chồng như thế đến đây hơn, họ cũng mong mình sẽ được sự may mắn như thế.
Chùa Am Vãi có thiêng không?
Những năm gần đây, cùng với việc ngôi chùa Am Vãi được phục dựng trở lại, đời sống vật chất của nhân dân trong làng cũng được cải thiện và nâng cao rõ rệt, số người chết trẻ không rõ nguyên nhân cũng không còn như trước nữa, đặc biệt là lớp trẻ ngày càng thi đỗ vào đại học nhiều hơn với một tỉ lệ cao mà trước đó ít thấy.
Những việc xảy ra trùng hợp như thế đã khiến cho nhân dân quanh vùng càng tin vào sự linh thiêng của ngôi chùa. Người dân đến chùa ngày một nhiều hơn, thường xuyên hơn, nhất là các dịp lễ hội, ngày mùng một, mười rằm.
Tour Tây Yên Tử 1 ngày
Ngoài ra, có một điều cũng rất đặc biệt tại ngôi chùa, đó là giếng khơi ở bên cạnh chùa. Giếng không sâu nhưng có một điều lạ kì là không bao giờ cạn bất kể mùa nào và số lượng người sử dụng là bao nhiêu. Không chỉ có những ngày lễ hội mà ngay cả những ngày bình thường trong năm ai lên chùa cũng đều cố uống cho được một ngụm nước mát lành của giếng.
Sau khi uống xong mọi người đều có cảm giác sảng khoái dễ chịu và thấy mình được thảnh thơi hơn, mọi lo toan trong cuộc sống thường nhật dường như được trút bỏ một phần nào. Và như vậy, đã từ rất lâu rồi nhân dân trong vùng coi đây là một chiếc giếng quý, có ý nghĩa rất quan trọng đối với đời sống tâm linh của họ.
Bởi vậy, nếu có dịp du lịch Tây Yên Tử vào bất cứ thời điểm nào, đặc biệt là dịp đầu xuân năm mới, du khách đừng quên dành thời gian để tham quan, lễ chùa Am Vãi nhé!