Nước chè tươi ở đâu cũng có nhưng muốn uống chè đâm thì phải về Nghệ An. Còn gì tuyệt vời hơn khi du lịch Cửa Lò với thời tiết oi bức giữa hè được thưởng thức bát chè đâm thơm mát , ngọt lành. Chỉ là bát chè tươi nhưng gói đủ cả núi rừng, hồ nước trong xanh, và tâm hồn hiếu khách thật thà của những người dân xứ Nghệ.
Chè đâm có nguồn gốc từ đâu?
Chè đâm là đặc sản của mảnh đất Qùy Hợp, một vùng Tây Bắc xứ Nghệ. Đây là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Thái - nơi có sông Dinh, hồ Thung Mây thơ mộng, có hang Thẩm Ồm -Thẩm Poòng, có thác Bản Bìa quanh năm nước chảy trắng xoá, có truyền thuyết về Khủn Tinh huyền thoại, có bãi tập luyện binh của nghĩa quân Lê Lợi năm xưa.
Nơi đây núi đồi trùng điệp, ruộng đồng nương bãi mênh mông, bốn mùa lúa, ngô, khoai, sắn, mía, chè… tốt tươi xanh lá. Theo như người dân nơi đây chia sẻ thì chè đâm là thứ đồ uống quen thuộc hàng ngày của đồng bào dân tộc Thái bản địa được lưu truyền đến bây giờ . Tuy nhiên ngày nay chè đâm được nhiều người biết đến, lan tỏa đến nhiều nhà hàng, quán ăn ở thành phố Vinh, Thị xã Cửa Lò để giới thiệu đến du khách thập phương cùng thưởng thức .
Công thức đặc biệt để làm chè đâm xứ Nghệ
Nước chè đâm đặc biệt bởi nó không chỉ chứa đựng những tinh tuý của hương vị chè xứ Nghệ mà còn ẩn sâu trong đó là cả ân tình người xứ Nghệ. Để có được một bát nước chè đâm xanh ngon mời khách thưởng thức như vậy quả là không đơn giản chút nào. Đó là cả một quá trình phức tạp vơi nhiều thời gian, công đoạn, từ cách chọn chè đến cách đâm chè rồi pha chế.
Đầu tiên là phải chọn thứ lá chè xanh mơn mởn và dày, chè không quá già mà cũng không được quá non. Nếu già quá thì nước chè sẽ bầm đen trông không ngon và nếu chè non quá thì nước sẽ đắng và chát. Nước nấu pha chè đâm phải là thứ nước ngon ngọt. Thường là nước mưa, hay nước giếng đá sỏi thì nước mới ngọt, lúc pha chế với nước cốt chè đâm mới dậy được mùi chè.
Điều đặc biệt là khi hái lá chè cho vào ống tre, người dân còn ngắt cả cành thành từng đoạn nhỏ và ngắn. Bởi theo quan niệm phải có cả lá và cành, lúc đâm chè mới không bị nát và nước cốt mới giữ được màu xanh và mùi thơm đặc trưng. Ống tre được chọn phải chuẩn – ống tre to, già, chọn chày đâm đúng điệu – vốn thường được làm từ gỗ mít. Công đoạn giã cũng cần phải lưu ý đều tay để chè không nát quá.
Nấu chè phải chọn thứ nước mưa ngọt lành hay nước giếng đá sỏi thì mới dậy lên mùi và vị ngọt đậm đà khó quên. Chè sau khi giã nhỏ sẽ cho nước sôi vừa đun vào làm chín chè, sau đó lọc thêm vài lần với nước sôi để nguội là hoàn thành. Nước chè đạt yêu cầu phải có màu xanh như ngọc, uống ngay sẽ giữ trọn hương vị chan chát, đăng đắng, mà thơm nồng mùi chè tươi và vị ngọt hậu thấm sâu vào vị giác.
Cách thưởng thức chè đâm
Sau khi cho ra đời tuyệt phẩm chè đâm thì nên sử dựng ngay bởi chè để lâu là màu xanh chuyển sang màu xám và hương vị cũng không còn nguyên bản. Nước chè đâm nhất định phải uống bằng bát làm bằng sứ hoặc tách làm bằng sứ thì uống chè mới ngon.
Người dân bản địa nơi đây vẫn thường dùng bát sứ Hải Dương để uống, đó là một loại bát nhỏ làm bằng sứ có kích thước nhỏ hơn bát ăn cơm 1/2 lần, đường kính khoảng 8 - 10cm, mặt ngoài của bát được trang trí bằng hoa văn rất đẹp, nhưng cũng có loại không trang trí gì.
Mùa đông thì bạn nên thưởng thức bát chè đâm nóng còn mùa hè thì cho vào ngăn mát tử lạnh để uống cả ngày vừa thanh mát lại vừa sảng khoái. Đặc biệt nếu sáng sớm chưa ăn gì thì có thể uống 2-3 bát cho tỉnh người rồi đi làm việc không lo bị say như chè thông thường .Những người bị đau lưng, mỏi gối vì lao động mệt nhọc, thì nên pha thêm mật mía hoặc đường trắng với chè đâm uống vào sẽ thấy khoẻ người ngay.
Uống nước chè đâm có lợi rất nhiều cho sức khoẻ, nó giúp hệ tiêu hoá làm việc tốt hơn, đem lại sự tỉnh táo cho con người sau những giờ làm việc căng thẳng, mặt khác uống nước chè đâm một cách thường xuyên còn giúp tăng cường ngăn ngừa sâu răng và nhiệt miệng…
Nếu có dịp về Nghệ An thì nhất định phải thưởng thức một bát chè đâm để nhớ mãi cái vị mà chẳng nơi nào có được .Thứ chè xanh sóng sánh, thơm dậy mùi, khi uống ban đầu hơi đắng chát, nhưng đọng lại sau cùng là vị ngọt nơi đầu lưỡi. Hương vị tuyệt vời ấy đã làm lên bản sắc văn hóa đặc trưng riêng của xứ Nghệ thân yêu!
Đi Tour Cửa Lò liên hệ Du Lịch An Tâm