Hà Giang – mảnh đất biên giới cực Bắc của Tổ quốc là nơi có Cột cờ Lũng Cú hiên ngang và Cao nguyên đá Đồng Văn với những dãy núi đá tai mèo trập trùng, những con đèo hiểm trở. Nơi đây còn lưu giữ những nét văn hóa truyền thống phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc của đồng bào.
Trong các tộc người sinh sống trên vùng cao nguyên đá, người Mông chiếm phần đông nhất. Nói đến văn hóa của các tộc người vùng cao nguyên đá, trước hết phải nói đến văn hóa người Mông. Nói đến văn hóa người Mông là nói đến kiến trúc ngôi nhà truyền thống, bởi đây là thước đo không chỉ đánh giá sự giàu có, mà còn là căn cứ để xác định đâu là người Mông cư trú lâu nhất vùng.
Nhà Trình Tường
Đi dọc theo con đường Hạnh phúc từ thành phố Hà Giang qua Yên Minh lên Đồng Văn rồi đến Mèo Vạc, bên cạnh những khung cảnh hùng vĩ của những dãy núi đá tai mèo còn có những nét đẹp mộc mạc của những ngôi nhà trình tường của đồng bào H’Mông.
Với đặc trưng sinh sống ở những sườn núi cao có thời tiết khắc nghiệt đã ảnh hưởng tới kiến trúc nhà của đồng bào Mông. Với ưu điểm giữ ấm vào mùa đông, mát mẻ vào mùa hè những ngôi nhà trình tường là lựa chọn tốt nhất, che chở cho đồng bào chống chọi với thời tiết khắc nghiệt của cao nguyên đá.
Nhà Trình Tường
Những ngôi nhà trình tường của đồng bào Mông rất dễ nhận ra và đây cũng là điểm khác biệt so với những ngôi nhà của các đồng bào khác đó chính là ngôi nhà được bao bọc bởi một hàng rào đá bao quanh nhà.
Những viên đá với kích cỡ lớn nhỏ khác nhau được đồng bào khéo léo sắp xếp với nhau tạo thành một bức từng vô cùng vững chãi mà không cần tới bất kỳ một chất kết dính nào. Để có được một bức tường đá hoàn chỉnh có khi đồng bào phải mất cả tháng để nhặt những mảnh đá vỡ về xếp thành.
Tường đá thường chỉ cao khoảng nửa người chủ yếu là để phân chia đất và tránh thú dữ lại gần nhà. Chiếc cổng gỗ có mái và dán giấy đỏ xen giữa bờ rào đá trước nhà, được người Mông trang điểm tạo nên vẻ ấm cúng giữa cái lạnh mùa đông ở Cao nguyên đá.
Người Mông rất chú trọng việc chọn đất làm nhà,khi đã chọn được đất tốt đồng bào tiến hành san nền, kê móng, trình tường nhà. Công việc trình tường nhà được bà con dân tộc Mông tiến hành khá công phu với một số quy định như người lạ không được vào khu vực nhà đang trình tường, nhất là phụ nữ.
Để tạo nên những bức trình tường độc đáo ấy, người Mông thường chọn lại đất có độ kết dính cao, loại bỏ sạch rễ cây, đá to, cỏ rác. Trước khi trình tường, người ta làm những chiếc khuôn gỗ có chiều dài 1,5 m, rộng chừng nửa mét. Sau đó đổ đất vào khuôn gỗ và dùng những chiếc vồ nện chặt đất.
Khi tiến hành trình tường người ta sẽ huy động những thanh niên trai tráng trong làng cùng giúp sức cho tới khi hoàn thành. Trình tường xong, cây cột cái và cây đòn được đưa ngay lên nóc nhà sau khi chặt từ rừng mà không đặt xuống đất. Hai cây cột này có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người Mông, nhất là trong tang ma.
Cuối cùng là khâu lợp mái, cùng với tường đất, mái lợp bằng ngói hoặc tranh giúp ngôi nhà điều hòa nhiệt độ suốt trong năm.
Nhà Trình Tường
Nét độc đáo trong kiến trúc ngôi nhà của người Mông tương đối thống nhất theo một khuôn mẫu, dù to hay nhỏ đều phải có ba gian hai cửa (gồm một cửa chính, một cửa phụ và tối thiểu là hai cửa sổ). Ngôi nhà có thể có một hoặc hai chái nhà, nhưng đều không liên quan trực tiếp đến ba gian nhà chính.
Ba gian nhà chính của người Mông được sắp xếp như sau: Gian bên trái dùng để đặt bếp nấu nướng và buồng ngủ của vợ chồng gia chủ; gian bên phải dùng để đặt bếp sưởi và giường khách; gian giữa thường rộng hơn hai gian bên và là gian để bàn thờ tổ tiên, đồng thời cũng là nơi tiếp khách, ăn uống của gia đình
Ngoài cửa chính lúc nào cũng treo một tấm vải đỏ, nhà còn có thêm cửa phụ và cửa sổ thoáng khí làm bằng gỗ hoặc thân trúc, mai già. Cửa bao giờ cũng mở vào trong chứ không mở ra ngoài. Chếch với cửa chính và tuỳ thuộc vào hướng gió người Mông đặt làm chuồng gia súc. Tất cả đều được gói gọn trong phạm vị hàng rào đá.
Mộc mạc là vậy nhưng điều làm nên nét đẹp nguyên sơ, thơ mộng cho những ngôi nhà trình tường của người Mông chính là những cây đào, cây mận được trồng ngay bên cạnh, khi thì trước cửa, lúc lại bên hiên nhà. Mùa xuân đến, màu xám của hàng rào đá và đen nâu của tường đất bỗng nổi bật sắc hồng của hoa đào và trắng muốt của hoa mơ, hoa mận.
Tất cả như hòa quyện tạo nên một bức tranh thiên nhiên độc đáo giữa cao nguyên đá, khiến bất cứ ai ngang qua cũng phải dừng chân ghé lại ngắm nhìn.