VỀ CỬA LÒ GHÉ THĂM MỘ BÀ HOÀNG THỊ LOAN! | Antamtour.vn

VỀ CỬA LÒ GHÉ THĂM KHU MỘ BÀ HOÀNG THỊ LOAN!

Đăng bởi Phạm Văn Tiến vào lúc 17/02/2020

Xứ Nghệ non xanh nước biếc đầy thân thương chẳng còn xa lạ đối với bất cứ một người dân Việt nào bởi nơi đây là sinh ra vị lãnh tụ vĩ đại , kính yêu mang tên Hồ chí Minh .

Tạm rời xa Cửa Lò sôi động , Bãi Lữ thơ mộng , đền Cuông linh thiêng chúng ta cùng hướng về Khu mộ bà Hoàng Thị Loan - là nơi an nghỉ của đấng sinh thành lên người cha già dân tộc , tới đây quý khách tìm hiểu về đời sống, con người đã sinh thành lên chủ tịch Hồ Chí Minh,  với những câu chuyện vô cùng cảm động và thấm thía !

Vị trí Khu mộ bà Hoàng Thị Loan

Khu mộ Bà Hoàng Thị Loan – Thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm cách trung tâm thành phố Vinh khoảng 13km được toạ lạc trên vùng đất bằng phẳng của núi Động tranh Thấp thuộc dãy núi Đại Huệ xã Nam Giang, huyện Nam Đàn. Được biết, núi Đại Huệ trước đây có tên là Đại Tuệ, người dân địa phương thường gọi là Rú Nậy.

Trên đỉnh Đại Huệ có động Thăng Thiên, trong động có chùa Đại Tuệ. Tục truyền do Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương dựng lên để thờ Phật Bà Đại Tuệ, Người đã phù hộ hai cha con xây thành chống giặc ngoại xâm.

Cuối năm 1788, Nguyễn Huệ - Quang Trung sau khi đại thắng quân xâm lược nhà Thanh trong Tết Kỷ Dậu trở về vua Quang Trung đã đổi tên núi Đại Tuệ thành Đại Huệ để ghi nhớ công ơn thần linh đã phù hộ cho đoàn quân áo vải. Và cái tên Đại Huệ được gọi từ đó đến nay.

Tại sao khu mộ lại được đặt ở vị trí này?

Chắc hẳn có rất nhiều người thắc mắc tại sao Bà lại yên nghỉ tại nơi này . Đặc biệt cũng có rất nhiều câu chuyện dân gian gắn với việc ông Nguyễn Sinh Khiêm - người con đầu lòng đưa hài cốt bà lên Động Tranh năm 1942. Đầu tiên là câu  chuyện về mảnh đất hội tụ nhiều sinh khí.

Người Nam Đàn ngày đó đã truyền tụng câu ca: “Bạch tượng uyển hồ, Hồ trung nhất huyệt, nhất đại đế vương”  nghĩa là : “ở trên con voi trắng trong xứ ao hồ có một huyệt đạo, phát làm vua một đời”. Ông Nguyễn Sinh Khiêm (anh trai Chủ tịch Hồ Chí Minh) là người am hiểu về phong thủy, địa lý, phục vụ yêu cầu tâm linh của nhiều gia đình trong vùng, được nhân dân ghi nhận.

Sau này cụ Nguyễn Sinh Vinh đã kể lại rằng: Đầu tháng 3 năm Nhâm Ngọ (1942), sau nhiều tháng tìm kiếm, ông Khiêm đã chọn được vị trí bằng phẳng của mỏm núi Động Tranh Thấp làm huyệt đạo cải táng cho mẹ.

Ông biện lễ trầu rượu đến xin phép lý trưởng làng Hữu Biệt, dẫn hai người cháu là Nguyễn Sinh Vinh ở xã Kim Liên và Nguyễn Luận ở xã Hữu Biệt lên đào 9 huyệt rải rác ở núi Động Tranh Thấp. Đêm về khuya, ông mới lặng lẽ một mình đưa hài cốt của Bà Hoàng Thị Loan xuống một trong chín huyệt đã đào sẵn rồi lấp đất lại.

Sau này, năm 1946 được ra thủ đô Hà Nội gặp gỡ em trai mình là Chủ tịch Hồ Chí Minh ông cả Khiêm mới trở về quê hương mời bà con hai dòng họ Nguyễn Sinh và Hoàng Xuân lên núi Động Tranh công bố “ Đây là mộ của mẹ tôi”.

Tiếp theo nếu hiểu biết về phong thuỷ của các phần mộ thì sẽ càng hiểu nhiều hơn về vị trí đặt mộ phần Bà Hoàng Thị Loan.

Huyệt được đặt ở độ cao 100m so với mực nước biển, sau lưng có Động Tranh cao làm huyền vũ, bên trái có động Khe Cùng làm tả Thanh Long, bên phải có động Ao Hồ làm hữu Bạch Hổ, ngay trước mộ có động Dù làm Án Sơn, xa xa ngọn cao nhất là núi Trà Sơn là triều Sơn chầu về.

Phía trước có sông Đào là tiểu mạch, xa nữa là dòng Sông Lam với hai bên bờ cư dân sầm uất làm đại mạch thuỷ. Huyệt đạo có đại minh đường là cánh đồng Lâm Cựu. Theo lý thuyết phong thuỷ mộ của Bà Hoàng Thị Loan đã đạt tiêu chí cát địa.

Thứ ba khi đến đây sẽ cảm nhận được sự yên bình và thư thái đến lạ . Đó là phong cảnh hữu tình, có thể  ngắm nhìn về quê hương xứ sở bao quát một vùng rộng lớn của nước non Xứ Nghệ.

Xa xa là dòng sông Lam và dãy Thiên Nhẫn trùng điệp đã được ví như một một đàn ngựa rong ruổi phi nước đại, trên đó còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của quê hương:

  • Thành Vạn An của Mai Thúc Loan xây dựng năm 722 chống quân xâm lược nhà Đường.
  • Lam Thành - nơi Nguyễn Biểu, một danh thần thời Hậu trần đã để lại kì tích “ ăn cổ đầu người”.
  • Lục niên thành do Lê Lợi xây dựng năm 1424, chống quân xâm lược nhà Minh
  • Miếu thờ La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, một tri thức nổi tiếng thời Tây Sơn..

Với nhiều quê hương của nhiều danh nhân như Tiên Điền, quê hương Đại thi hào Nguyễn Du; làng Đông Thái, quê hương Phan Đình Phùng, làng Thông Lạng, quê hương Lê Hồng Phong, làng Xuân Hồ, quê hương Lê Hồng Sơn, làng Hưng Nhân, quê hương Phạm Hồng Thái; Làng Đan nhiệm, quê hương Phan Bội Châu, Làng Tùng Ảnh quê hương Trần Phú…

Hạnh phúc biết bao khi được đứng ở đây, ở phần mộ của Bà để ngắm nhìn về quê hương xứ sở, tự hào về lịch sử mà cha ông đã dựng xây.

Nét độc đáo trong Khu mộ bà Hoàng Thị Loan

Quần thể khu mộ ngày nay được tôn tạo khang trang , có quy mô lớn với rất nhiều nét độc đáo. Trước phần mộ xuống sân bia 33 bậc, con số 33 là tuổi đời của Bà. Phía trên mộ có dàn hoa che mát là bốn cụm hoa giấy, khe trước phần mộ trồng nhiều cây quí từ nhiều miền đất nước.

Trước mộ có dựng tấm bia lớn tạc tiểu sử và công lao của Bà Hoàng Thị Loan bằng đá đen núi Nhồi. Phần mộ bà Hoàng Thị Loan được ốp bên ngoài bằng đá hoa cương, đá cẩm thạch liền khối.

Phần trên mộ được xây dựng theo hình khung cửi cách điệu, phía sau phần mộ là bức phù điêu bằng đá trắng khắc họa hình những cánh sen thanh cao, tinh khiết của quê nhà và cũng là biểu tượng về cuộc đời, nhân cách của bà.Trước khu mộ được mở rộng thành hình vòng cung, hoà hợp với địa hình và tạo một góc nhìn rộng.

Không gian xung quanh đều có mái che, thể hiện không khí trang nghiêm, ấm cúng và thuận lợi cho khách hành lễ khi mưa, nắng.Đường lên xuống để khách tới thăm viếng ngôi mộ được xây dựng men theo sườn núi hai bên mộ, đứng xa trông như hai dải lụa đẹp, mỗi bên dài khoảng 500m.

Men theo sườn đồi bên trái là đường lên mộ có 269 bậc, bên phải là đường xuống với 242 bậc, xây bằng đá. Thung lũng trước mộ là vườn cây, hoa và gỗ quý rộng hơn 10 ha, hơn một ngàn cây đặc sản khắp các huyện, thành trong tỉnh đem về trồng như lát hoa, vàng tâm Quỳ Hợp, trám Thanh Chương...

Đứng ở ngoài khu mộ nhìn về phía Nam thấy rõ dãy núi Thiên Nhận, núi Đụn. Nhìn về phía Tây thấy bạt ngàn các đỉnh Hải Thủy, Hồ Cương, Đại Vạc, có chùa Đại Tuệ, có thành nhà Hồ. Nhìn về phía Đông có dãy Đại Hải, Độc Lôi. Phía đông nam có núi Thanh Lam và cột cờ Trương Phụ trên đỉnh núi.

Từ chỗ chỉ đơn thuần là một ngôi mộ thì khu vực này đã được đầu tư xây dựng thành một khu tưởng niệm rộng lớn, liên kết với Khu di tích Kim Liên, khu lăng mộ Mai Hắc Đế tạo thành một quần thể di tích lịch sử. Đây là một địa danh lịch sử văn hóa thiêng liêng.

Về đây bạn sẽ được trải lòng với không gian tĩnh lặng của mảnh đất tâm linh, thụ hưởng sự trong lành mà thiên nhiên ,quên đi hết mọi nỗi ưu tư, phiền muộn và những nỗi lo toan trong cuộc sống đời thường.

Nếu về tắm biển Cửa Lò thì hãy bớt chút thời gian ghé thăm Khu mộ bà để tâm hồn sâu lắng hơn và thắp một nén nhang cảm ơn người phụ nữ với đức hy sinh cao cả, tấm lòng nhân hậu lan tỏa niềm tin yêu tới triệu trái tim con người . Bạn muốn tham khảo tour Cửa Lò - Khu mộ bà Hoàng Thị Loan thì hãy liên hệ với Antamtour nhé!

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
x
Antamtour.vn

Số lượng:

Tổng tiền:

avatar
Xin chào
close nav
zalo